Trong đời sống hằng ngày, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện giúp đỡ người dân. Như vậy, Ngân hàng chính sách là gì? Năm 2024, Nhà nước quy định thế nào về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách?
Phiên giao dịch ngân hàng chính sách huyện Krông Pắc tại trụ sở UBND xã Hòa Tiến hàng tháng
Ngân hàng Chính sách XH là gì?
Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Theo Điều 1 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập và hoạt động theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, theo Điều 18 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, vốn điều lệ của ngân hàng chính sách do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Như vậy, Ngân hàng Chính sách XH là Ngân hàng Chính sách, được Chính phủ thành lập để hỗ trợ hoạt động vay vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách, được nhà nước cấp vốn điều lệ.
Cơ cấu tổ chức Ngân hàng Chính sách XH năm 2024?
Theo Điều 19 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng chính sách như sau:
- Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cơ cấu quản trị khác theo quy định của Chính phủ.
- Ngân hàng chính sách được thành lập chi nhánh, sở giao dịch, phòng giao dịch và đơn vị trực thuộc khác theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Chính sách XH được quy định tại Mục I Quyết định 16/2003/QĐ-TTg như sau:
1) Hệ thống tổ chức
Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:
- Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội;
- Sở Giao dịch, Trung tâm đào tạo, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh;
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, Phòng giao dịch thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh.
- Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội sở chính, Sở Giao dịch, Trung tâm đào tạo, Chi nhánh và Phòng giao dịch thực hiện theo quy định của Hội đồng quản trị.
2) Cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị và điều hành của Hội sở chính:
- Hội đồng quản trị và bộ máy giúp việc;
- Ban Kiểm soát;
- Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc;
- Hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ.
3) Tổ chức bộ máy điều hành của Sở Giao dịch, Trung tâm đào tạo và các Chi nhánh bao gồm:
- Giám đốc, các Phó giám đốc;
- Các phòng chuyên môn nghiệp vụ;
- Phòng Kiểm tra, kiểm toán nội bộ.
4) Phòng giao dịch
Phòng giao dịch đặt tại các huyện, quận, thành phố thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh nơi không có Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phòng giao dịch có con dấu.
Điều hành Phòng giao dịch là Giám đốc.
Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách XH năm 2024?
1) Ai sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách XH?
Theo quy định tại Điều 5 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg về các đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách XH bao gồm
- Hộ nghèo.
- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề.
- Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT.
- Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
- Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình 135.
- Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các đối tượng cho vay trên gọi chung là Người vay.
Như vậy, người vay đáp ứng các điều kiện vay vốn tại Điều 8 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg và sử dụng vốn cho vay vào các mục đích tại Điều 6 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg thì sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách XH.
2) Ngân hàng Chính sách XH cho vay thông qua đâu?
Theo Điều 10 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg quy định
- Uỷ thác cho vay:
+ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đến Người vay thông qua các tổ chức nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác là người giải ngân và thu nợ trực tiếp đến Người vay và được hưởng phí ủy thác;
+ Bên nhận ủy thác là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định hiện hành về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng;
+ Bên nhận ủy thác là tổ chức chính trị - xã hội cần có các điều kiện sau: Có đội ngũ cán bộ am hiểu nghiệp vụ cho vay; Có mạng lưới hoạt động đến vùng nghèo, hộ nghèo; Có uy tín trong nhân dân, có tín nhiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội; Có điều kiện tổ chức kế toán, thống kê, báo cáo theo các quy định cụ thể của Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Nội dung, phạm vi, mức độ, phí ủy thác, quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác được thể hiện trong hợp đồng ủy thác do hai bên thỏa thuận;
- Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và Thủ trưởng đơn vị bên nhận ủy thác là đại diện pháp nhân trong việc ký hợp đồng ủy thác. Nếu bên nhận ủy thác là pháp nhân ở cấp tỉnh, huyện, xã thì Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Phòng giao dịch được Tổng Giám đốc ủy quyền ký hợp đồng ủy thác.
- Ở những nơi có Chi nhánh Ngân hàng Chính sách XH đặt trụ sở, được thực hiện cho vay trực tiếp đến Người vay.
Như vậy, Nếu ở những nơi có Chi nhánh Ngân hàng Chính sách XH thì sẽ cho vay tại chi nhánh. Những nơi không có Chi nhánh Ngân hàng Chính sách XH thì sẽ cho vay thông qua các tổ chức nhận uỷ thác.
3) Lãi suất cho vay như thế nào?
Lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách XH được quy định tại Điều 11 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg như sau:
- Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Hội đồng quản trị quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III.
- Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Như vậy, lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách XH sẽ thay đổi theo từng thời kỳ, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4) Thời hạn cho vay trong bao lâu?
Theo Điều 7 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách XH có 03 loại cho vay như sau:
- Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng.
- Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.
- Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng.
Đồng thời, tại Điều 14 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg quy định thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn như sau:
- Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay.
- Nếu Người vay chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do chưa thu hoạch, bị kéo dài so với dự kiến hoặc chưa tiêu thụ được sản phẩm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ.
Việc cho gia hạn nợ của các tổ chức nhận ủy thác cho vay tùy thuộc vào sự thoả thuận giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác ghi trong hợp đồng.
- Trường hợp cho vay lưu vụ: thời hạn cho vay là thời hạn của chu kỳ sản xuất tiếp theo.
- Trường hợp Người vay sử dụng vốn vay sai mục đích; Người vay có khả năng trả khoản nợ đến hạn nhưng chây ỳ không trả thì chuyển nợ quá hạn. Tổ chức cho vay kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.
Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển cho vay lưu vụ, chuyển sang nợ chờ xử lý, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Như vậy, có 03 loại vay là ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tùy theo mục đích sử dụng và thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ cho người vay mà sẽ có thời hạn phù hợp./.